Sự tồn tại của Đoàn khám bệnh từ thiện tư nhân:
Trước nhu cầu bức xúc của bệnh nhân nghèo tại các xã vùng sâu, vùng xa, Hội y tế tư nhân đã thành lập ra “Đoàn khám bệnh từ thiện tư nhân” để giải quyết 1 phần nào y tế cho người dân nghèo. “Đoàn khám bệnh từ thiện tư nhân” cần phải có những điều kiện tối thiểu sau đây:
- Nhân sự ổn định.
- Kinh phí tự lực.
- Quản lý tốt kinh phí.
- Địa điểm phòng khám cố định.
Nhân sự ổn định:
Nhân sự của Đoàn hiện nay đã ổn định, nhưng phần lớn là hưu trí chưa có tuổi trẻ kế thừa. Phải động viên lớp trẻ nhưng điều này rất khó vì bận rộn mưu sinh và trực gác. Bác sĩ trẻ chỉ đi công tác vài lần và sau đó ngưng tham gia Đoàn.
Kinh phí tự lực:
Kinh phí cho mỗi chuyến đi khám bệnh từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng và tại Phòng khám bệnh mỗi sáng thứ Bảy từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Hiện nay, Đoàn hiện đang được tài trợ kinh phí như sau:
- Hiệp hội CADRASIE Pháp.
- Ông bà Võ Văn Tám (Tám Cầu) - Việt kiều Úc.
- Gia đình Ông bà Quan Văn Cẩn - Việt kiều Úc.
Và sự giúp đỡ của Hội Sản Phụ khoa Không biên giới Pháp (GSF), hội ASSORV, Hội bảo trợ trẻ em ĐBSCL, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Cần Thơ, Công ty Hội chợ Triển lãm Quốc tế Cần Thơ.
Nhưng muốn công việc từ thiện này được thực hiện liên tục, cần phải có sự tham gia của quần chúng nhất là các mạnh thường quân trong và ngoài nước. Đoàn đang nhờ sự trợ giúp của chương trình phòng chống HIV - AIDS (hội PATHFINDER Hoa Kỳ) để thưc hiện một website phổ biến rộng rãi chương trình hành động từ thiện này trên toàn thế giới, ngỏ hầu kiếm tìm thêm nguồn tài trợ.
Quản lý tốt kinh phí:
Đoàn có 01 ban điều hành để quản lý tài chánh, thủ quỹ giữ tiền, trưởng đoàn quản lý chi - thu, còn nhà tài trợ kiểm tra sổ sách và khi muốn chi tiêu gì khác ngoài thuốc men khám bệnh phải có sự đồng ý của Nhà tài trợ (điện thoại gặp trực tiếp)
Địa điểm phòng khám bệnh cố định:
Đoàn đã thành lập phòng khám bệnh từ thiện từ năm 2006 đến nay đoàn vẫn còn thuê mướn mặt bằng Công ty Hội chợ Triển lãm Quốc tế Cần Thơ từ 2.000.000 – 1.000.000/tháng. Nếu được chính quuyền giúp đỡ 1 mặt bằng dùng để khám bệnh, Đoàn sẽ trả lại mặt bằng thuê và số tiền thuê mặt bằng đó được đưa vào kinh phí hoạt động khám, cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo.
Việc cấp phát phiếu khám bệnh cho Phường, xã:
Lúc trước Đoàn có in phiếu khám bệnh và cấp phát trước cho địa phương nhưng chúng tôi gặp các bất lợi sau đây:
- Một số bệnh nhân có phiếu, một số không có.
- Một số không có bệnh mà vẫn được cấp phiếu.
- Nhiều hộ nghèo không được cấp phiếu.
- Trẻ em không được cấp phiếu.
Phát hiện có bán phiếu: 5.000đ – 10.000đ…
Biện pháp khắc phục:
1. Không phát phiếu khám bệnh
2. Không tập trung giấy mời của Phường, xã lại 1 chỗ, bệnh nhân tự cầm lấy để đổi đơn thuốc khám bệnh.
3. Cấp phát ưu tiên cho bệnh nhân nặng, khuyết tật, trẻ em và cao tuổi trên 80,90 tuổi (những bệnh nhân này vào khoa nội 1, trực tiếp được đo huyết áp tại chỗ và khám bệnh ngay.
Ưu điểm:
a. Bệnh nhân nặng được khám bệnh ngay
b. Một số bệnh nhân vẫn được khám mà không có vé mời…
c. Các em bé cũng được khám như người lớn.
d. Cắt được khâu khám bệnh để tổ phát thuốc thanh toán xong các đơn thuốc còn cù lại và Đoàn sẽ về đúng giờ.
Tổ ẩm thực:
Phòng ăn cần phải hợp vệ sinh, sạch sẽ, chế biến hợp khẩu vị nên phải đặt ở Co.op mart Hòa Bình và sáng thứ bảy Đoàn sẽ tới chở cơm vào lúc 5h30 sáng.
Tại sao chúng tôi không đặt phần ăn là bánh mì, xôi mặn… để cho gọn nhẹ? Thật ra, công tác khám bệnh chúng tôi làm thường xuyên hàng tháng không phải lâu lâu một lần,cần phải đảm bảo sức khỏe cho anh em nhưng trong Đoàn phần đông là cao tuổi nên phải có 1 bát canh nóng thì bữa ăn cơm là cần thiết hơn. Đoàn đã thử ăn một bữa xôi mặn nhưng không đáp ứng cho lắm.
Đánh giá chương trình áp dụng và sử dụng các biện pháp kỹ thuật:
Đoàn đang áp dụng những kỹ thuật này tại “Phòng khám bệnh từ thiện” và sẽ đem áp dụng tại các điểm nào thuận tiện. Chương trình đặt ra những áp dụng có khó khăn vì vấn đề thời gian không cho phép, nhưng Đoàn sẽ cố gắng thực hiện ở một vài điểm nếu có cơ hội. Tại điểm khám bệnh chúng tôi bắt đầu khám bệnh vào lúc 8h hoặc 8h30 và kết thúc vào 14h, hiện tại đoàn đang áp dụng chương trình “Trám răng cho trẻ em” và chương trình”Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung ở phụ nữ”. Các bệnh nhân phát hiện sớm sẽ được điều trị kịp thời và đúng phương pháp.
Chương trình này sẽ được thực hiện một cách rất tiện lợi, nếu chúng ta có:
01 xe ô tô 25 chỗ hoặc 1 tàu.
Có trang bị máy X quang, điện tim, siêu âm và trang bị máy khoan để trám răng, một xét nghiệm…các công việc trên sẽ được giải quyết dễ dàng.
Vấn đề tổ chức hậu cần ăn uống:
Đoàn khởi đầu về xã ngày 8/3/2003 tại xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Tại đây chúng tôi dùng cơm trưa do Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Thuận Tây đãi ăn nhưng chúng tôi nhận thấy có những bất tiện sau đây:
Anh em Đoàn viên không có thời gian ăn cơm cùng với nhau vì công tác khám bệnh phải liên tục và đúng thời gian quy định, Xã, Phường đã nghèo lại phải lo chi phí ăn uống cho Đoàn thật là phi lý nên Đoàn quyết định tự lo cơm nước và địa phương chỉ lo điểm khám bệnh. Từ đó đến nay, Đoàn chưa chấp nhận bữa ăn nào tại địa phương.
Địa phương sẽ mạnh dạn mời Đoàn tới khám bệnh mà không phải lo kinh phí ăn uống như các đoàn khám bệnh khác.
Anh chị em Đoàn viên rất hãnh diện vì công tác của mình rất có ý nghĩa, đã đem lại niềm vui và an ủi cho bệnh nhân nghèo vì còn có nhiều người biết quên mình mà nghĩ đến họ trong các ngày nghỉ cùng nhau lặn lội tại các xã vùng sâu vùng xa không phải iêng cho TP. Cần Thơ mà cả vùng ĐBSCL.
Kết luận:
Mô hình “Tổ chức và Hoạt động khám bệnh từ thiện tư nhân” là một mô hình thích hợp và cần thiết hiện nay. Nó phù hợp với chủ trương xã hội hóa và y tế của nhà nước ta. Mô hình này chúng tôi đã thực hiện năm thứ 5 và đã thu được kết quả tốt. Chúng tôi mong mỏi mô hình y tế từ thiện tư nhân này sẽ được áp dụng rộng rãi để thuốc men từ thiện được đến tận tay bệnh nhân nghèo một cách dễ dàng hơn ở các xã vùng sâu vùng xa. Mô hình này nói lên được sự liên kết giữa nhà nước và tư nhân sát cánh bên nhau đi làm việc từ thiện và cũng kêu gọi được sự trợ giúp và hợp tác của bạn bè thân hữu, mạnh thường quân trong và ngoài nước cùng nhau giúp đỡ các bệnh nhân nghèo chẳng những tại ĐBSCL mà trong cả nước VN chúng ta.
Cố vấn:
BS Nhân dân – BS Chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Út
Chủ tịch Hội Y học TP. Cần Thơ
BS Nguyễn Văn Khả
Phó chủ tịch thường trực Hội Y học TP. Cần Thơ
Chủ nhiệm đề tài:
BS Trần Văn Tốt
Ủy viên ban chấp hành Hội Y học TP. Cần Thơ.
Chủ tịch Hội YTTN TP. Cần Thơ
Kiêm Trưởng đoàn khám bệnh từ thiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét